Custom phím cơ cần những gì?

  • Mục lục
  • I. Chơi Custom phím cơ là gì?
  • II. Custom phím cơ cần những gì?
    • 1.  Những thành phần chính cần có
      • a. KIT phím cơ
      • b. Switch
      • c. Keycap
    • 2. Những thành phần phụ
      • a. Stabilizer
      • b. Foam phím cơ
      • c. Bộ dụng cụ Lube Switch
  • III. Tổng kết Custom phím cơ cần những gì

Custom phím cơ cần những gì? Đây có lẽ là câu hỏi mà rất nhiều anh em mới tập tành chơi phím cơ, muốn build một bàn phím cơ và thường đặt ra câu hỏi này. Vậy tốn bao nhiêu là đã có thể chơi phím cơ custom? Gearshop với kinh nghiệm tư vấn bàn phím custom cho anh em sẽ giải đáp thắc mắc này trong bài viết nhé.

Custom phím cơ là một thú vui, bộ môn mới nổi trong những cuối năm 2021 và đầu năm 2022. Thay vì người dùng sẽ mua một chiếc bàn phím cơ về dùng, và không cần phải làm gì nhiều với nó. Thì nay, xu hướng của người dùng đều hướng đến một chiếc bàn phím cơ có thể tùy chỉnh.

Chơi Custom phím cơ là gì?

Custom phím cơ là khi bạn sở hữu một bàn phím, mà bạn có thể tùy chỉnh nó hoàn toàn. Từ bố cục, hình dạng, loại Switch và Keycap, bàn phím custom cho phép bạn tạo một bàn phím đáp ứng đầy đủ nhu cầu và mong muốn của mình

Với những trường hợp chuyên sâu, nâng cao hơn, người dùng có có thể custom LED cho phím…

Điểm mạnh của Custom phím cơ là người dùng có thể hoàn toàn tự do lựa chọn cho mình kích thước và diện mạo bàn phím mình thích, đi cùng với đó là cảm giác gõ phím mà mình mong muốn. Không cần phải đi theo sự rập khuôn có sẵn trên các mẫu bàn phím cơ trên thị trường.

Vậy điểm mạnh của Bàn phím Custom và Bàn phím Build sẵn là gì? Bạn có thể xem thêm TẠI ĐÂY

Custom phím cơ cần những gì?

Đây mới là vấn đề chính của ngày hôm nay! Gearshop sẽ chỉ ra những “thành phần” trong một bàn phím cơ Custom bạn cần sắm và chia theo 3 phân khúc giá từ Phổ thông - Trung - Cao cấp; để các bạn có thể hình dung và xem xét với túi tiền của mình một cách phù hợp nhé!

Những thành phần chính cần có

Đây là những thành phần bắt buộc người dùng phải sở hữu có có thể có được một bàn phím cơ hoàn chỉnh để sử dụng bình thường như một chiếc bàn phím build sẵn, vậy những thành phần đó là gì?

> Kit phím cơ

Đây được xem như là một “thành phần” chính để có thể cấu tạo nên một bàn phím cơ Custom. Thông thường, một Kit phím cơ sẽ được trang bị sẵn các thành phần cơ bản như Case phím, bảng mạch phím (PCB), Plate…

Tùy vào giá tiền, Kit phím cơ của bạn sẽ được trang bị thêm hoặc được nâng cấp thêm như: Với Kit giá rẻ thường là Plate nhựa, nếu giá cao hơn bạn sẽ có được Plate kim loại… Ngoài ra, Kit có được lót foam sẵn hay không và foam chất lượng không cũng sẽ tùy vào giá tiền bạn bỏ ra để mua Kit. Bạn có thể tham khảo 3 chiếc Kit phím cơ sau:

  • KIT Monsgeek MG75: Đây là chiếc Kit đến từ subbrand của AKKO - Mosgeek. Với mức giá chỉ từ 700.000 VND, bạn sẽ có được một chiếc Kit phím cơ 2 mode, cùng khả năng Hotswap 5pin. Tuy nhiên, trên KIT giá rẻ này bạn sẽ không được trang bị LED nền

  • KIT MK750: Đây là bàn phím cùng tầm với Fuhlen H75s, với chiếc Kit tầm trung giá chưa đến 2.000.000 VND này bạn sẽ có được hầu hết những tính năng cần thiết như: LED RGB, Hotswap, 3 Mode, được lót sẵn foam Silicone…

  • KIT E-Dra EK387KIT: Với một tầm cao hơn sẽ là các Kit phím cơ thường là với vỏ case được làm bằng Nhôm, đem lại cảm giác cực kỳ đầm và chắc chắn là nặng. Nhưng nếu bạn sử dụng Kit này để làm phím custom, chắc chắn sẽ không thể chê vào đâu được nhờ chất âm ấn tượng

Tùy vào sở thích, người dùng có thể trải nghiệm và lựa chọn cho mình chiếc Kit phù hợp. Và người dùng thường chi trung bình 1 triệu đồng là có thể sở hữu một Kit phím cơ

> Switch

Đây cũng là một thành phần quan trọng giúp phím nhận và truyền dữ liệu lên màn hình. Với switch, sẽ phụ thuộc vào sở thích gõ của người dùng. Vì Switch được chia làm 3 loại cảm giác gõ cơ bản là: 

  • Linear - êm, hành trình trơn phù hợp với người dùng thường xuyên phải typing. 

  • Tactile - hành trình phím sẽ có một khấc cản, đem lại cảm giác nhấn rõ ràng hơn phù hợp với người dùng là game thủ, content creator. 

  • Clicky - tạo ra tiếng click mỗi khi nhấn như chuột, cảm giác nhấn giống với Tactile, phù hợp với Game thủ, tuy nhiên do tạo tiếng nên hơi kén người chơi.

Mỗi loại Switch sẽ có một cảm giác gõ khác nhau và việc người dùng lựa chọn như nào sẽ phụ thuộc vào sở thích. Nhưng Switch cũng chia làm nhiều loại, với những Switch cao cấp thường sẽ là 20 - 30.000 VND trở lên cho một Switch sẽ đem đến những cảm giác nhấn và độ bền hoàn hảo hơn. Những Switch tầm trung thường từ 10 - 15.000 1 Switch, người dùng cũng sẽ nhận được những giá trị tương đương switch cao cấp. Còn với các Switch giá rẻ như vài nghìn 1 switch thì cảm giác gõ sẽ còn lọc xọc và không được đều trên mỗi switch.

Người dùng thường sẽ phải chi trung bình 400 - 800 nghìn cho một bộ switch để gắn đầy đủ lên phím.

> Keycap

Đây có lẽ là cách để người dùng thể hiện cá tính của mình một cách rõ nét nhất trên bàn phím. Keycap cũng được chia làm rất nhiều mức giá tương ứng với chất liệu cấu thành keycap từ ABS, PBT, Artisan hay Kim loại…

Với các mẫu Keycap Artisan hay Kim loại thường có giá thành khá cao, từ vài trăm đến vài triệu cho 1 Keycap, nhưng đổi lại bạn sẽ nhận được một chiếc Keycap cực kỳ đẹp.

Keycap ABS và Keycap PBT sẽ phổ biến hơn, trong đó, keycap ABS sẽ có giá thành rẻ hơn PBT từ vài chục đến vài trăm, còn Keycap PBT sẽ từ 400 đến hơn 1 triệu đồng.

Người chơi phím cơ thường sẽ cần chi trung bình 600 - 700 nghìn VND cho một bộ Keycap đẹp và chất lượng

Những thành phần phụ

Những thành phần phụ sẽ là những thành phần có thể có hoặc không trên bàn phím, nó sẽ không ảnh hưởng đến chức năng, khả năng hoạt động cho bàn phím của bạn. Nhưng những thành phần này sẽ là những yếu tố giúp bàn phím của bạn trở thành một "bàn phím custom" đúng nghĩa!

> Stabilizer

Stabilizer bạn sẽ tìm thấy ở các phím chức năng trên bàn phím như: Spacebar, Enter, Shift…

Đây là phần không cần thiết phải “sắm” lắm, vì trên các mẫu kit cũng thường được trang bị sẵn. Tuy nhiên, nếu là một người chơi phím cơ custom lâu, bạn sẽ nhận ra, âm thanh hoàn hảo ở những nút function có thanh stab. Trong những trường hợp như này, người dùng thường lựa chọn cân wire, nhưng nếu bạn là người còn “gà mờ” việc mua một bộ stabilizer mới sẽ là lựa chọn tốt hơn hết.

Bạn có thể bỏ ra khoảng 200 đến 300.000 VND để sở hữu full bộ stabilizer cho bàn phím.

> Foam phím cơ

Bàn phím vẫn sẽ hoạt động bình thường nếu không có foam phím cơ. Nhưng với custom phím cơ, thì foam phím cơ lại là một thành phần không thể thiếu. 

Foam phím cơ là thành phần không góp phần vào thẩm mỹ của phím, nhưng nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến âm thanh của bàn phím khi bạn gõ phím. Tùy vào độ dày của foam phím, vị trí lót foam, khi gõ phím sẽ cho ra các âm thanh khác nhau cho dù có cùng một loại Switch đi chăng nữa.

Foam phím cũng vô cùng đa dạng về giá tùy vào chất liệu của foam, bạn có thể tìm được như: Cao su lưu hóa, Cao su non, Mút bọt biển, Màng PE trắng, Foam Poron…

Tùy vào chất liệu foam, bạn có thể mua foam ở nhiều nền tảng và các nơi bán lẻ với mức giá từ: 10.000 đến khoảng 100.000 VND.

> Bộ dụng cụ Lube Switch

Đây cũng không phải là những sản phẩm cần thiết cho một bàn phím Custom hoạt động. Nhưng nó sẽ khá cần thiết trong các lúc người dùng thực hiện custom phím. Để custom phím cơ, bạn sẽ cần một số dụng cụ cơ bản như:

  • Keycap Puller (Dụng cụ nhổ keycap): Từ 10.000 đến 100.000 VND

  • Switch Puller (Dụng cụ nhổ switch): Từ 10.000 đến 100.000 VND

  • Switch Opener (Dụng cụ mở switch, thường dùng để lube switch): Từ 50.000 - 200.000 VND

  • Nhíp (Dùng để gắp các bộ phận của Switch để Lube): Khoảng 10.000 - 100.000 VND

  • Dầu lube/ Mỡ lube (Tùy vào bộ phận của Switch, người dùng có thể chọn dầu hoặc mỡ): Khoảng 50.000 đến 200.000 VND

Ngoài ra, trên thị trường cũng có bán theo bộ, bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY, với mức giá tiết kiệm hơn từ 200.000 đến 400.000 VND

Tổng kết Custom phím cơ cần những gì

Và phía trên là những gì bạn cần cho một bàn phím Custom, từ các thành phần chính như: KIT, Switch, Keycap và các thành phần phụ như: Stab, foam, dụng cụ lube... thì chỉ cần 1.500.000 đến 2.000.000 người dùng đã có một bộ bàn phím custom hoàn hảo (nếu không mua thêm các thành phần phụ cho phím)

Nếu bạn là người chịu chi hơn, bạn có thể bỏ ra hơn 2.500.000 VND, để sở hữu một bàn phím cơ custom. 

Là một người mới chơi bàn phím cơ Custom, bạn có thể liên hệ Gearshop để được hỗ trợ tư vấn tốt nhất.